1. Mô hình chấp nhận và sử dụng công nghệ (UTAUT) là gì?
Mô hình chấp nhận và sử dụng công nghệ (UTAUT) được phát triển bởi Venkatesh và cộng sự vào năm 2003 nhằm mục đích giải thích và dự đoán hành vi sử dụng công nghệ thông tin.
2. Chi tiết về Mô hình chấp nhận và sử dụng công nghệ (UTAUT)
2.1. Các yếu tố tác động trong UTAUT
Theo Mô hình chấp nhận và sử dụng công nghệ (UTAUT), ý định hành vi có sự tác động đến hành vi sử dụng công nghệ thông tin của người tiêu dùng. Mặt khác, ý định hành vi lại được tác động bởi:
Hiệu quả mong đợi (Performance Expectancy): Là mức độ mà người dùng tin rằng việc sử dụng hệ thống sẽ giúp họ hoàn thành công việc một cách tốt hơn.
Nỗ lực mong đợi (Effort Expectancy): Là mức độ mà người dùng tin rằng việc sử dụng hệ thống sẽ dễ dàng và không đòi hỏi nhiều nỗ lực.
Ảnh hưởng xã hội (Social Influence): Là áp lực từ đồng nghiệp, gia đình, hoặc văn hóa tổ chức đối với việc sử dụng hệ thống.
Điều kiện thuận lợi (Facilitating Conditions): Là các yếu tố hỗ trợ việc sử dụng hệ thống, bao gồm khả năng tiếp cận hệ thống, hỗ trợ kỹ thuật, và các nguồn lực cần thiết. Yếu tố này đã được Venkatesh và cộng sự (2003) giả định rằng vừa có tác động đến ý định hành vi, vừa ảnh hưởng trực tiếp đến hành vi sử dụng của người dùng.
2.2. Các yếu tố điều tiết trong UTAUT
Bên cạnh các biến độc lập, Venkatesh và cộng sự (2003) cũng xác định một số yếu tố điều tiết có thể ảnh hưởng đến mối quan hệ giữa các yếu tố chính và ý định sử dụng trong UTAUT, bao gồm:
Giới tính: Nam và nữ có thể có những phản ứng khác nhau đối với các yếu tố trong mô hình.
Độ tuổi: Người dùng trẻ tuổi có thể có thái độ khác so với người dùng lớn tuổi.
Kinh nghiệm: Người dùng có kinh nghiệm sử dụng công nghệ có thể có những kỳ vọng khác so với người mới bắt đầu.
Tình nguyện sử dụng: Nếu việc sử dụng công nghệ là tự nguyện, người dùng có thể có thái độ tích cực hơn.
3. Ưu điểm và hạn chế của Mô hình chấp nhận và sử dụng công nghệ (UTAUT)
Về ưu điểm, Mô hình chấp nhận và sử dụng công nghệ mang đến một cái nhìn toàn diện về hành vi sử dụng công nghệ của người dùng. Ngoài ra, UTAUT còn có khả năng dự đoán chính xác về ý định sử dụng của người dùng. Điều này có thể giúp các doanh nghiệp đưa ra những quyết định sáng suốt trong việc phát triển và triển khai các sản phẩm công nghệ mới. Hơn nữa, UTAUT còn được ứng dụng rộng rãi trong nhiều lĩnh vực khác nhau để dự đoán hành vi con người.
Về hạn chế, việc đo lường và phân tích dữ liệu theo mô hình UTAUT đòi hỏi một quá trình phức tạp hơn so với các mô hình cơ bản. Ngoài ra, do UTAUT chủ yếu tập trung vào việc đánh giá ý định sử dụng tại một thời điểm cụ thể nên chưa thật sự phản ánh được sự thay đổi hành vi người dùng theo thời gian. Cuối cùng, dù đã bao gồm nhiều yếu tố, UTAUT vẫn chưa thể bao quát tất cả các yếu tố ảnh hưởng đến quyết định chấp nhận công nghệ, đặc biệt là các yếu tố cảm xúc.
Dù vẫn còn một số hạn chế, thế nhưng Mô hình chấp nhận và sử dụng công nghệ (UTAUT) vẫn là một công cụ hữu ích để tìm hiểu về hành vi chấp nhận và sử dụng công nghệ của người dùng. Hy vọng rằng bạn đã có thể hiểu rõ hơn về UTAUT thông qua bài viết này của Marketing Du Ký.