Trong nghiên cứu khoa học, dữ liệu thường được chia thành hai dạng chính, bao gồm: dữ liệu sơ cấp và dữ liệu thứ cấp. Trong đó, dữ liệu thứ cấp đóng vai trò quan trọng trong việc đưa ra kết luận. Trong bài viết này, Marketing Du Ký sẽ giới thiệu đến các bạn các nguồn dữ liệu thứ cấp cho sinh viên khi làm nghiên cứu khoa học.
1. Dữ liệu thứ cấp là gì?
Dữ liệu thứ cấp (secondary data) là dữ liệu đã được thu thập, xử lý và công bố bởi các cá nhân hoặc tổ chức khác từ trước. Các dữ liệu thứ cấp thường được đến từ rất nhiều nguồn khác nhau, điển hình như: Sách, báo, cơ sở dữ liệu của chính phủ,...
Thông thường, dữ liệu thứ cấp là cơ sở để phát triển cũng như được dùng để so sánh với các dữ liệu sơ cấp vừa được thu thập. Việc sử dụng dữ liệu thứ cấp không chỉ giúp tiết kiệm nhiều thời gian mà còn giúp cho bài nghiên cứu trở nên đáng tin cậy hơn.
2. Vì sao nên sử dụng dữ liệu thứ cấp?
Trên thực tế, có rất nhiều lý do khác nhau mà bạn nên sử dụng dữ liệu thứ cấp trong bài nghiên cứu khoa học của mình. Dưới đây là một số nguyên nhân chính mà Marketing Du Ký cho rằng bạn nên dùng các dữ liệu thứ cấp:
Tiết kiệm thời gian và chi phí: Dữ liệu thứ cấp là những dữ liệu đã được thu thập, xử lý và công bố bởi nhiều cơ quan, tổ chức nên có thể giúp nhà nghiên cứu tiết kiệm nhiều thời gian, công sức và tiền bạc để thực hiện tất cả các bước trên.
Tạo sự tin cậy cho nghiên cứu: Bản chất của nghiên cứu khoa học là chúng ta phát hiện ra vấn đề và tìm cách để giải quyết vấn đề đó. Chính vì vậy, nếu sử dụng dữ liệu có sẵn từ nhiều bên để minh chứng thì bài nghiên cứu sẽ có độ tin cậy cao hơn.
Hỗ trợ trong việc lập luận: Trên thực tế, đôi khi dữ liệu sơ cấp mà chúng ta thu thập được chưa đủ sức thuyết phục để lập luận về một vấn đề nào đó. Việc kết hợp với dữ liệu thứ cấp từ nhiều tổ chức đáng tin cậy sẽ hỗ trợ rất nhiều trong việc dẫn dắt và kết luận vấn đề.
3. Các nguồn dữ liệu thứ cấp phổ biến
3.1. Chính phủ và các tổ chức quốc tế
Nói về độ tin cậy và quy mô của dữ liệu thứ cấp thì Chính phủ và các tổ chức quốc tế luôn là sự lựa chọn ưu tiên. Theo đó, bạn có thể tham khảo dữ liệu tại:
3.1.1. Chính phủ
Tổng cục Thống kê Việt Nam (GSO): Dữ liệu về kinh tế, xã hội, dân số,...
Cục thống kê của các tỉnh thành, bộ ngành: Dữ liệu riêng về từng địa phương và các ngành nghề khác nhau
3.1.2. Tổ chức quốc tế
Liên Hợp Quốc (UN): Dữ liệu về xã hội, môi trường ở các quốc gia
Ngân hàng Thế giới (World Bank): Dữ liệu về kinh tế, xã hội ở các quốc gia
Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF): Dữ liệu về tài chính, ngân hàng ở các quốc gia
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO): Dữ liệu về sức khỏe, tình hình dịch bệnh và chính sách y tế ở các quốc gia
3.2. Bài báo khoa học uy tín
Trên thực tế, những bài báo khoa học được công bố trên các tạp chí chuyên ngành đều đã trải qua quá trình bình duyệt và xét duyệt rất gắt gao. Do đó, dữ liệu nghiên cứu từ các bài báo này rất đáng tin cậy và phù hợp để sử dụng cho mục đích nghiên cứu. Bạn có thể tìm kiếm các bài báo trên tại một số cơ sở dữ liệu uy tín như:
Google Scholar
Research Gate
Science Direct
Web of Science
Scopus
...
3.3. Các công ty nghiên cứu thị trường
Còn gì tuyệt vời hơn khi dữ liệu thứ cấp được công bố bởi các doanh nghiệp nổi tiếng trong lĩnh vực nghiên cứu thị trường. Một số báo cáo tổng quan về thị trường ở các ngành nghề, thường được công bố miễn phí trên các website của những đơn vị này. Tuy nhiên, bạn cần phải trả phí để có thể xem thêm những báo cáo chi tiết.
Dưới đây là một số agency nổi tiếng trong lĩnh vực nghiên cứu thị trường mà bạn có thể theo dõi:
Nielsen: Nghiên cứu về thị trường và các xu hướng tiêu dùng
Kantar: Nghiên cứu về thị trường và các xu hướng tiêu dùng
Statista: Nghiên cứu về kinh tế, công nghệ, truyền thông,...
Deloitte: Nghiên cứu về kinh tế, tài chính, doanh nghiệp,...
...
3.4. Các trang báo chuyên ngành Việt Nam
Hiện nay, Việt Nam có rất nhiều trang báo chuyên ngành có phân tích và cung cấp những số liệu toàn cảnh về thị trường. Dưới đây là một số trang báo mà bạn có thể tham khảo:
VnEconomy: Kinh tế, tài chính, đầu tư, bất động sản
Tạp chí Kinh tế & Dự báo: Dự báo kinh tế và xu hướng, chính sách phát triển
Vietnam Finance: Đầu tư, tài chính, ngân hàng
Brands Vietnam: Marketing, thương hiệu, truyền thông
Advertising Vietnam: Quảng cáo, truyền thông, sáng tạo
...
3.5. Mạng xã hội
Với hàng tỷ người dùng internet trên toàn cầu thì mạng xã hội và các công cụ tìm kiếm chính là một trong những nền tảng có thể cung cấp dữ liệu thứ cấp một cách chính xác và mới nhất.
Bạn có thể tìm kiếm dữ liệu thứ cấp thông qua: Youtube, Facebook, TikTok,... analytics để biết các xu hướng sử dụng mạng xã hội của người dùng trong và ngoài nước. Ngoài ra, bạn cũng có thể kết hợp với Google Trends để biết thêm về xu hướng tìm kiếm và mức độ quan tâm của người dùng internet.
Dữ liệu thứ cấp chính là một nguồn thông tin vô cùng quý giá đối với các nhà nghiên cứu, đặc biệt là các bạn sinh viên. Marketing Du Ký hy vọng rằng bạn đã có thể biết thêm một số nguồn thu thập dữ liệu thứ cấp để phục vụ cho bài nghiên cứu khoa học của mình.